Câu hỏi:
Doanh nghiệp chúng tôi khi lập báo cáo tài chính có những vướng mắc sau:
1. Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15 (Chế độ kế toán 15) quy định “Nội dung và phương pháp lập báo cáo tài chính” trong Phần tài sản ngắn hạn – các khoản tương đương tiền (Mã số 112) quy định:
“2 – Các khoản tương đương tiền (Mã số 112)
Chi tiêu này phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong chuyển đổi thành tiền kể từ ngày mua khoản đầu tư đó tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 121 “Đầu tư chứng khoán ngắn hạn” trên sổ chi tiết TK 121, gồm: kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc … có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng kể từ ngày mua”
Quyển 1 – Chế độ kế toán 15 quy định:
Tài khoản 121 “Đầu tư chứng khoán ngắn hạn”
“Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán chứng khoán (Cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu…) có thời hạn thu hồi không quá một năm hoặc mua vào, bán ra chứng khoán để kiếm lời.
Chứng khoán đầu tư ngắn hạn bao gồm:
- Cổ phiếu có thể giao dịch trên thị trường chứng khoán;
- Trái phiếu gồm trái phiếu công ty, trái phiếu chính phủ;
- Các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật”.
Tài khoản 1281 – Tiền gửi có kỳ hạn: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của tiền gửi có kỳ hạn.
Vậy xin hỏi:
1. Tại ngày lập Báo cáo tài chính, số dư tiền gửi có kỳ hạn (TK 1281) dưới 3 tháng có được ghi vào chỉ tiêu “2-Các khoản tương đương tiền (mã số 112)” của Bảng cân đối kế toán không? Nếu ghi vào chỉ tiêu này có sai với quy định của Chế độ kế toán 15 không?
Trường hợp Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, số dư Tiền gửi có kỳ hạn (TK 1281) dưới 3 tháng đã ghi vào chỉ tiêu “2-các khoản tương được tiền (Mã số 112” của Bảng cân đối kế toán thì Báo cáo tài chính có phải điều chỉnh lại không?
2. Điều lệ mẫu ban hành theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BTC ngày 19/3/2007 của Bộ Tài chính có đoạn:
“Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ
Hàng năm, Công ty sẽ phải trích từ lợi nhuận sau thuế của mình một khoản vào quỹ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Khoản trích này không được vượt quá 5% lợi nhuận sau thuế của Công ty và được trích cho đến khi quỹ dự trữ bằng 10% vốn điều lệ của Công ty”.
Vậy xin hỏi:
Khi trích khoản này doanh nghiệp sẽ phải ghi vào tài khoản nào trong “Hệ thống tài khoản kế toán” ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính?
Trả lời:
1/ Về chỉ tiêu “2-các khoản tương đương tiền (Mã số 112):
Tại Đoạn 4 chuẩn mực kế toán số 24 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” quy định: “Tương đương tiền: Là các khoản đầu tư ngắn hạn (không quá 3 tháng), có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong chuyển đổi thành tiền”.
Theo quy định trên, số dư tiền gửi có kỳ hạn (TK 1281) dưới 3 tháng sẽ được ghi vào chỉ tiêu “2- Các khoản tương đương tiền (Mã số 112)” tại ngày thành lập Báo cáo tài chính.
2/ Về việc trích “Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ”:
Khi trích Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối
Có TK 414 – Quỹ đầu tư phát triển