Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Doanh nghiệp có quyền được tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động. Luật này cũng quy định chi tiết hơn các trường hợp doanh nghiệp được giảm vốn so với Luật doanh nghiệp năm 2005 và đặc biệt cho phép Công ty TNHH một thành viên được giảm vốn. Quy định này đáp ứng được nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và cũng đưa vốn đăng ký về sát với vốn thực của Doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, việc doanh nghiệp tiến hành tăng vốn lên vẫn thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều so với thủ tục giảm vốn. Có thể liệt kê một số quy định và hình thức giảm vốn cho các loại hình Công ty thường gặp như sau:
- Đối với Công ty cổ phần:
+ Giảm vốn trong trường hợp Công ty mua lại cổ phần của các cổ đông trong Công ty. Tuy nhiên, Công ty vẫn phải đảm bảo việc thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại. Sau khi thanh toán hết số cổ phần mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả các chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần mua lại.
+ Các cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cũng không có cổ đông nào nhận thanh toán số cổ phần đó thì Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ.
+ Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
- Đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Với loại hình TNHH 2 thành viên trở lên, Luật doanh nghiệp có quy định cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề giảm vốn của các loại hình này. Cụ thể doanh nghiệp có thể giảm vốn theo các hình thức sau:
+ Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
+ Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên;
+ Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn.
- Công ty TNHH một thành viên:
Trước đây, Luật doanh nghiệp 2005 không cho TNHH một thành viên được giảm vốn. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2014 đã xóa bỏ quy định này và đưa ra các hình thức giảm vốn cụ thể cho loại hình doanh nghiệp này như sau:
+ Hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu;
+ Vốn điều lệ không được chủ sở hữu thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo cam kết.
Như vậy, tại thời điểm hiện tại, các quy định của pháp luật có rõ ràng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thủ tục giảm vốn của Doanh nghiệp. Tuy nhiên, Doanh nghiệp cũng nên căn cứ vào năng lực tài chính và quy mô kinh doanh của mình để cân nhắc mức vốn điều lệ đăng ký cho phù hợp khi quyết định thành lập Công ty.
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ:
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH SAO THIÊN BÌNH
Trụ sở: Tầng 4 - số 299 Trung Kính, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
Di động/zalo/viber: 0989.223.175
Email: thienbinhluat@gmail.com / luatsuthienbinh@gmail.com
Website: http://thienbinhluat.com