Gửi phảm hồi  E-mail      In bài viết  Print        Font-size  

Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

 

Tên văn bản:

Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Cơ quan ban hành:

Chính phủ

Ngày ban hành:

03/04/2012

Ngày đăng công báo:

16/04/2012

Ngày hiệu lực:

25/05/2012

Ngày hết hiệu lực:

 

Loại văn bản:

Nghị định

Số hiệu:

24/2012/NĐ-CP

Người ký:

Nguyễn Tấn Dũng

Hiệu lực văn bản:

Còn Hiệu lực

 

 

Từ 25/05, Nhà nước chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng


Đây là một trong những nội dung chính quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 của Chính Phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.


Theo đó, Nhà nước sẽ chính thức độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, từ ngày 25/05/2012 và Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.


Cũng theo Nghị định này, Chính phủ nghiêm cấm việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp và mọi hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép…


Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 03 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên và số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 02 năm liên tiếp gần nhất.


Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2012; thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/06/2003 của Chính phủ.

 

 

 

 

CHÍNH PHỦ
-----------

Số: 24/2012/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
---------------------------

Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng.

2. Các quy định của Nghị định này không áp dụng đối với hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của doanh nghiệp khai thác vàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.

2. Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.

3. Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

4. Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản là hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của giá vàng.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý

1. Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.

3. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

4. Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

7. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

8. Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật các tổ chức tín dụng.

9. Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Chương 2.

HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, GIA CÔNG VÀ MUA, BÁN VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ

Điều 5. Điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

b) Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Điều 6. Trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công.

3. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ.

4. Có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

5. Bảo đảm duy trì các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

6. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 7. Hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ

Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều 8. Điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ

Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về khối lượng, hàm lượng vàng, giá mua, giá bán các loại sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm bán ra thị trường.

2. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.

3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đo lường.

4. Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.

5. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chương 3.

HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN VÀNG MIẾNG

Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Điều 11. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

3. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm:

1. Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Nghị định này.

2. Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.

3. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.

4. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.

5. Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.

6. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chương 4.

HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG

Điều 13. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ để tham gia triển lãm, hội chợ quốc tế thực hiện theo quy định của Chính phủ về hội chợ, triển lãm quốc tế.

Điều 14. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu

1. Căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 Điều này và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng theo quy định tại khoản 7 Điều này.

2. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4. Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.

5. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trong năm kế hoạch cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ vào năng lực sản xuất và báo cáo tình hình xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của năm trước.

6. Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

7. Doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được.

8. Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

9. Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

Điều 15. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân

Người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế được mang theo vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Chương 5.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Điều 16. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

1. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.

2. Ngân hàng Nhà nước được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

3. Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp sau đây:

a) Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này.

b) Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

c) Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Ngân hàng Nhà nước cấp, thu hồi:

a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

b) Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

c) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.

d) Giấy phép mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định.

đ) Giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

5. Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác.

6. Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng như sau:

1. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và việc doanh nghiệp kinh doanh vàng chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng và sao gửi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn để phối hợp thực hiện.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện ban hành tiêu chuẩn chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; kiểm tra, thanh tra và quản lý chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường và kiểm định phương tiện đo lường của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

5. Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương theo quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 18. Phối hợp liên ngành về quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Căn cứ vào yêu cầu thực tế, các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, chia sẻ thông tin để phục vụ cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng; phối hợp thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vàng theo quy định của pháp luật.

Chương 6.

HÀNH VI VI PHẠM

Điều 19. Hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng

Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.

6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Chương 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Chế độ báo cáo

Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh vàng phải thực hiện báo cáo tình hình hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; tình hình mua, bán vàng miếng; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 21. Điều khoản chuyển tiếp

1. Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

a) Các tổ chức đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

b) Các tổ chức đang hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định thời hạn, thủ tục chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua, bán vàng miếng.

3. Các giấy phép sản xuất vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 5 năm 2012 và thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 1999.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

Share: Follow on Facebook  Follow on twitter  Follow on google  Follow on Yahoo  LinkHay.com

Các tin khác

Hỗ trợ trực tuyến

  • Thành lập, tái cơ cấu doanh nghiệp

    Thành lập, tái cơ cấu doanh nghiệp

  • Tư vấn Thay đổi đăng ký kinh doanh

    Tư vấn Thay đổi đăng ký kinh doanh

  • Đầu tư nước ngoài

    Đầu tư nước ngoài

  • Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

  • Tư vấn Thuế - Kế toán

    Tư vấn Thuế - Kế toán

  • Sàn giao dịch Bất động sản

    Sàn giao dịch Bất động sản

Danh mục tư vấn

Luật sư doanh nghiệp Thành lập công ty Thay đổi đăng ký kinh doanh Doanh nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài Tái cơ cấu Doanh nghiệp Bảo hộ nhãn hiệu, logo Đăng ký mã số, mã vạch sản phẩm Thuế - Kế toán Thành lập sàn giao dịch Bất động sản