Thông thường vào thời điểm kinh tế nhạy cảm (dù là lạm phát cao hay suy thoái), các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, vì thế tình trạng tranh chấp có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp càng gia tăng.
Các luật sư hiện nay chủ yếu tham gia tư vấn cho doanh nghiệp khi có vấn đề phát sinh nhiều hơn là tham gia tư vấn xây dựng quy trình hoạt động tránh rủi ro cho doanh nghiệp. Hơn nữa, chính bản thân các doanh nghiệp Việt Nam thường ít quan tâm đến việc tìm kiếm một luật sư riêng hoặc ký hợp đồng tư vấn pháp lý thường xuyên đối với một công ty Luật để có được những tư vấn pháp lý thực tế, giảm thiểu rủi ro.
Tại Mỹ thì hầu như 100% doanh nghiệp đều có thuê luật sư tư vấn, và không ít các công ty ký hợp đồng tư vấn thường xuyên với công ty luật. Tại Việt Nam, qua khảo sát ngẫu nhiên 200 doanh nghiệp từ Bắc chí Nam hoạt động trong các lĩnh vực điển hình, chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài nắm cổ phần chi phối và các tổng công ty nhà nước có thuê Luật sư.
Với các doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần… có 7,5% các doanh nghiệp được hỏi ở phía Bắc, 5% các doanh nghiệp được hỏi ở phía Nam là có ký hợp đồng tư vấn luật thường xuyên với văn phòng luật sư, theo đó luật sư tham gia soạn thảo các quy định và các mẫu hợp đồng cho công ty.
Chủ doanh nghiệp của khoảng 20% các doanh nghiệp được hỏi ở phía bắc và 25% các doanh nghiệp được hỏi ở phía nam có quan tâm và tự tìm hiểu các pháp luật liên quan trong quá trình xây dựng doanh nghiệp.
Còn lại (khoảng 65-70%) các doanh nghiệp liên hệ với văn phòng luật sư chỉ để tra cứu văn bản pháp luật khi cần thiết, và các doanh nghiệp này chỉ hợp đồng thuê luật sư tham gia tố tụng khi có vụ việc. Các chủ doanh nghiệp này thậm chí không hề có bất kỳ quyển sách luật nào trong tủ sách của doanh nghiệp!
Chính do điều này mà khi có xảy ra tranh chấp thương mại, đầu tư hay lao động… các luật sư chỉ có thể tham gia sau khi “việc đã rồi”. Luật sư có giỏi mấy cũng khó cứu doanh nghiệp thoát khỏi thiệt hại nếu việc đã sai từ khâu triển khai. Kết quả khảo sát này có thể làm “giật mình” các nhà hành pháp và tư pháp!
Các chủ doanh nghiệp thường chủ quan, cho rằng việc “vô phúc đáo tụng đình” sẽ hiếm khi hoặc sẽ không xảy ra đối với doanh nghiệp của mình, vì vậy đa số ít quan tâm đến việc tìm hiểu luật và thuê luật sư. Đây chính là “con thiên nga đen” nguy hiểm, vì một khi sự vụ xảy ra, do không được dự liệu trước nên hậu quả mà nó mang đến sẽ khôn lường!
Khi tình hình kinh doanh khó khăn, tình trạng nợ khó đòi gia tăng, các tranh chấp lao động và tranh chấp phát sinh trong nội bộ hội đồng quản trị doanh nghiệp, hội đồng thành viên ngày càng nhiều. Nếu không có điều kiện tìm hiểu luật, các chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc tìm kiếm một luật sư hoặc một công ty luật tư vấn đồng hành cùng hoạt động của doanh nghiệp. Để tránh rủi ro cho chính mình, các doanh nghiệp không nên để “nước đến chân mới nhảy”!
Ngay cả một người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều phải có bằng lái xe và phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm Luật Giao thông của mình. Quyết định của doanh nghiệp thường có liên quan đến số đông người bao gồm nhân viên, khách hàng, đối tác, và trong một số trường hợp, đến cả xã hội, như vậy trách nhiệm lèo lái một doanh nghiệp tất nhiên phải nặng nề hơn người lái xe.
Vì vậy việc chủ doanh nghiệp cần tìm kiếm một luật sư hoặc một công ty luật tư vấn đồng hành cùng hoạt động của doanh nghiệp mình là điều rất cần thiết. Doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật sẽ vừa giúp được mình, vừa giúp được người. Bản thân doanh nghiệp đó sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng, tranh chấp lao động… Như vậy, số lượng vụ việc phải giải quyết bằng tố tụng tại tòa án sẽ không phải tăng lên tỷ lệ thuận với mức tăng số lượng doanh nghiệp, tòa án sẽ tránh được tình trạng bị quá tải và chất lượng tố tụng sẽ được cải thiện.
Trong rất nhiều tranh chấp lẽ ra các bên có thể tự giải quyết nếu có luật sư tư vấn đứng ra thì các bên lại mất thời gian đưa nhau ra tòa. Thậm chí có trường hợp một lãnh đạo doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng tại TPHCM tuyên bố hùng hồn “không cần biết luật là gì, miễn tự thấy mình đúng là được”! Những suy nghĩ kiểu như vậy là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc doanh nghiệp phải tốn quá nhiều thời gian đi giải quyết tranh chấp thay cho việc tập trung phát triển doanh nghiệp để tăng tính cạnh tranh.
Rất nhiều vụ tranh chấp trong thực tế xuất phát từ việc các bên không nắm vững hoặc hiểu sai các quy định của pháp luật. Ví dụ, các thành viên sáng lập công ty TNHH vì tự nghiên cứu Luật Doanh nghiệp để soạn thảo điều lệ công ty cho phù hợp với ý chí của mình hoặc sử dụng điều lệ có sẵn của công ty khác đi đăng ký kinh doanh. Khi có tranh chấp giữa các thành viên góp vốn thì mới đi tìm lại xem điều lệ công ty ghi như thế nào về số thành viên đại diện bao nhiêu phần trăm số vốn điều lệ để thông qua quyết định!
Một số công ty thì tự ý soạn thảo nội quy công ty với các kiểu kỷ luật phạt vạ không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, đến khi có tranh chấp đình công, Liên đoàn lao động đến làm việc thì mới biết nội quy công ty không soạn thảo đúng theo Bộ luật Lao động.
Các công ty đều tham gia kinh doanh nhưng Luật Thương mại lại ít được tìm hiểu. Có công ty mua thiết bị máy móc nhưng do chưa dùng đến ngay nên không kiểm tra, quá sáu tháng mang ra dùng thì mới biết thiết bị không đạt chất lượng theo yêu cầu hợp đồng, lúc đó đã hết thời hạn khiếu nại theo điều 318 Luật Thương mại.
Cho đến thời điểm này, rất nhiều công ty vẫn còn sử dụng tiêu đề khi ký hợp đồng mua bán “căn cứ Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế” mặc dù Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực! Các doanh nghiệp khi bị rối tung trong mạng nhện thủ tục hành chính, thay vì thuê luật sư tư vấn để tự bảo vệ mình thì do thiếu hiểu biết pháp luật nên phải chọn con đường lòng vòng tốn kém chi phí!
Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp, đối phó với khủng hoảng. Việc tìm kiếm một luật sư tư vấn đồng hành, hỗ trợ và hợp tác cùng Doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động là việc cần làm ngay để xây dựng nền tảng hoạt động vững chắc cho doanh nghiệp. Làm được như vậy, các doanh nghiệp không những có thể tự giúp chính mình, mà còn giúp cho môi trường kinh doanh chung được lành mạnh hơn, phù hợp hơn với xu thế hội nhập quốc tế.