Ba luật thuế mới gồm Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đã đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều đối tượng chịu thuế chưa nắm vững hết các quy định dẫn đến vi phạm những “lỗi cơ bản” hoặc tự khiến mình chịu thiệt do không hiểu thấu đáo văn bản luật.
Thiên Bình Luật sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về những quy định thay đổi, bổ sung trong chính sách thuế mới trong bài viết dưới đây
1. Hoá đơn phải lập đúng thời gian giao hàng
Theo quy định, hoá đơn hợp pháp là hoá đơn ghi đúng địa chỉ, tên người mua, người bán, không tẩy xoá, sửa chữa, và quan trọng nhất là phải lập đúng thời gian quy định. Nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp mua bán chịu, khi bên mua chưa trả tiền thì bên bán để “chắc ăn” cũng chưa xuất hoá đơn. Hiện tượng này khá phổ biến trong ngành xây dựng: chủ đầu tư “làm ăn” dựa trên uy tín, các đối tác cung ứng vật tư tự ứng trước nguyên vật liệu. Có những công trình đường xá chỉ cần 2 tháng là hoàn tất, tới khi nghiệm thu bàn giao vẫn chưa có hoá đơn đầu vào cho vật tư như xi măng, sắt, thép... (sau khi nghiệm thu mới được thanh toán tiền), trong khi tổng số thuế phải nộp lên tới hàng tỷ đồng.
Lại có trường hợp doanh nghiệp cử cán bộ đi mua hàng vào ngày 20/1 nhưng chưa có hoá đơn, đến cuối tháng 1 bán ngay lô hàng đó đi, tới tháng 3 mới được bên bán xuất hoá đơn đầu vào, ghi là xuất cho lô hàng giao ngày 20/1. Những trường hợp như vậy, dù hoá đơn lập trong niên độ kế toán, không trốn thuế, nhưng sau ngày mua hàng nên vẫn bị “liệt” vào danh sách hoá đơn bất hợp pháp.
Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, đã có ý kiến đề nghị rằng đối với những hoá đơn mà doanh nghiệp bán lập sau thời hạn giao hàng 6 tháng thì cho phép người mua được kê khai thuế và phạt đơn vị bán về hành vi lập hoá đơn không kịp thời với mức 5 triệu đồng, phạt đơn vị mua về hành vi lưu hành hàng hoá không có hoá đơn với mức 2 triệu đồng. Toàn bộ tiền thuế truy lĩnh hoá đơn mà bên bán nộp hoá đơn chậm do bên mua chưa trả tiền nhưng vẫn trong thời gian 6 tháng thì vẫn cho khấu trừ (luật mới cho phép có thể kê khai bổ sung trong thời hạn 6 tháng (trước đây chỉ 3 tháng nếu thuế đầu vào kê khai sót).
Tuy nhiên, theo quy định trong Công văn 4121 ngày 6/10/2009 của Tổng cục Thuế thì đề nghị trên đã bị “phủ quyết”. Tất cả hoá đơn hàng hoá, dịch vụ lập sai quy định (sau thời điểm giao hàng như những ví dụ kể trên) đều không được khấu trừ thuế mà chỉ được tính vào chi phí. Cần nhấn mạnh thêm lần nữa, điều kiện khấu trừ của năm 2009 ngặt nghèo hơn trước đây bởi đã tính đến chuyện hoá đơn phải lập đúng thời hạn. Vì vậy, trong mọi trường hợp mua bán hàng hoá, dịch vụ, hoá đơn phải được lập ngay khi giao hàng, không phân biệt tiền đã thu được hay chưa. Với trường hợp tháng 1 mua hàng, dù chưa có tiền nhưng bên bán đã xuất hàng thì vẫn lập hoá đơn, 6 tháng sau trả tiền thì xé hoá đơn, ngày lập hoá đơn vẫn trong thời hạn 6 tháng.
Nếu cứ duy trì nếp cũ, tháng 1 giao hàng, tháng 6 mới lập hoá đơn và ghi rằng “xuất hoá đơn cho lô hàng giao ngày 20/1” thì hoá đơn không hợp pháp này chắc chắn sẽ bị cơ quan thuế “gạt ra rìa”.
2. Nhiều dịch vụ bắt đầu bị nâng thuế suất thuế GTGT lên 10%
Một điểm thay đổi so với trước của Luật Thuế GTGT mới, các dịch vụ về vệ sinh môi trường, xử lý thu gom rác, vận chuyển rác thải… do các công ty vệ sinh môi trường ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận chuyển, xử lý rác thải thì phải chịu thuế suất 10% ngay từ ngày 1/1/2009.
Nhưng thực tế, thời gian qua, tất cả các công ty vệ sinh môi trường đều để trống phần thuế suất bởi đều nghĩ rằng những dịch vụ này thuộc diện không chịu thuế. Những công ty này đều đã vi phạm luật.
Một trường hợp khác, các đơn vị làm những dịch vụ không chịu thuế năm 2008 như công ty đo đạc, khảo sát bản đồ địa chất, trung tâm biển…, sang năm 2009 cũng phải chịu mức thuế 10%. Vấn đề nảy sinh là những doanh nghiệp đã giao hàng hoá, dịch vụ từ năm ngoái nhưng năm nay mới xuất hoá đơn, nghĩa là thời điểm áp mức thuế mới 10% thì còn được xuất hoá đơn không chịu thuế nữa không(?)
“Lời giải” do Tổng cục Thuế đưa ra như sau: Những dịch vụ không chịu thuế của năm 2008 nhưng sang năm 2009 đã thuộc diện chịu thuế suất 10%, đã hoàn thành trong năm 2009, doanh nghiệp đã bàn giao và hạch toán trong sổ kế toán, đưa doanh thu này vào tờ khai quyết toán thuế năm 2008 nhưng vì chưa nhận được tiền từ ngân sách và từ các chủ đầu tư nên chưa xuất hoá đơn, thì nay được xuất hoá đơn để trống phần thuế suất, nhưng bị phạt vì lập hoá đơn không kịp thời. Những trường hợp còn lại, dù đã thực hiện tới 90% công việc trong năm 2008, vẫn phải chịu mức thuế VAT 10%.
Một trường hợp tăng thuế suất thuế GTGT lên mức 10% khác nữa là dịch vụ cung cấp ở bên ngoài cho doanh nghiệp chế xuất, ví dụ dịch vụ đưa đón công nhân, thuê hội trường, thuê phòng nghỉ… Theo quy định mới, mặc dù cung ứng cho doanh nghiệp chế xuất nhưng ở bên ngoài doanh nghiệp nên không được áp dụng thuế suất 0% mà phải áp mức 10%.
3. Phải thông báo định mức tiêu hao
Thông tư số 130/2008/TT-BTC ban hành ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã có hiệu lực từ đầu năm 2009, thế nhưng tới gần đây, quy định về việc doanh nghiệp phải báo cáo cục thuế định mức tiêu hao nguyên vật liệu vẫn bị hầu hết doanh nghiệp “lờ đi” (hoặc do không biết quy định hoặc do cố tình vi phạm).
Theo quy định, khi tiến hành sản xuất kinh doanh mà có định mức tiêu hao thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trong thời hạn 3 tháng kể từ khi có sử dụng định mức đó (doanh nghiệp chỉ cần thông báo cụ thể định mức tiêu hao sản phẩm này được thực hiện theo quyết định nào của doanh nghiệp). Cuối năm, khi kiểm tra lại định mức thấy chưa chuẩn và muốn điều chỉnh thì phải thông báo điều chỉnh cùng với tờ khai quyết toán thuế.
Cho rằng quy định “phải thông báo định mức tiêu hao nguyên vật liệu” là một thủ tục hành chính rườm rà, nhiều doanh nghiệp đề nghị đưa quy định này vào diện cắt giảm 30% thủ tục hành chính của ngành Thuế. Song đến giờ, đề nghị này chưa được chấp thuận.
Tổng cục Thuế vẫn khẳng định: doanh nghiệp nào không thông báo định mức tiêu hao cho cơ quan thuế thì bị phạt theo Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử lý vi phạm pháp luật về thuế; đồng thời, cơ quan thuế có quyền ấn định các yếu tố chi phí nguyên vật liệu khi xác định thu nhập chịu thuế.
4. Linh hoạt xử lý chênh lệch tỷ giá
Chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, Bộ Tài chính đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn việc xử lý chênh lệch tỷ giá:
- Ngày 10/9/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 177/2009/TT-BTC hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế đối với chênh lệch tỷ giá đánh giá lại của các khoản công nợ có gốc ngoại tệ. Theo Thông tư này, các doanh nghiệp có các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ thì các khoản lỗ, lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và lỗ, lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính được tính vào chi phí hoặc thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ. Trường hợp chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ tính vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để doanh nghiệp không bị lỗ nhưng phải đảm bảo phần chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số ngoại tệ đến hạn phải trả trong năm đó. Ví dụ khi làm báo cáo tài chính đánh giá khoản nợ ngoại tệ cuối năm phải trả có khoản lỗ 3 tỷ đồng, trong đó, chênh lệch tỷ giá của nợ đến hạn phải trả là 1 tỷ đồng, thì khoản 1 tỷ này vẫn phải đưa vào rồi chuyển lỗ của kết quả kinh doanh, còn 2 tỷ đồng chưa đến hạn trả có thể gác lại năm sau. Trường hợp kinh doanh có lãi mà các khoản ngoại tệ chưa phải trả đánh giá theo cuối năm tài chính bị lỗ 3 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá thì đưa tất cả 3 tỷ đồng này vào khoản lỗ năm nay của doanh nghiệp.
- Tiếp đến, ngày 15/10/2009 Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư 201/2009 hướng dẫn xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái. Thông tư này hướng dẫn xử lý chênh lệch đối với các khoản ngoại tệ chênh lệch, trong đó quy định, doanh nghiệp nào mới thành lập, chưa có doanh thu thì cho phép lỗ được phân bổ trong 5 năm. Còn doanh nghiệp đã hoạt động, có đầu tư mua sắm tài sản thì phải xử lý ngay trong năm. Tất cả khoản nợ phải trả, phải thu bằng ngoại tệ có phát sinh lỗ, lãi thì đều cho xử lý ngay trong năm.
5. Có thể phân bổ kê khai thuế TNDN
Một điểm thay đổi cần lưu ý trong Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Thuế thu nhập doanh nghiệp, chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2009, đó là quy định lãi do chênh lệch đánh giá lại tài sản góp vốn (trừ trường hợp doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá).
Theo quy định này, các doanh nghiệp đem góp vốn, thống nhất liên doanh, liên kết khi đánh giá lại tài sản thấy có phần chênh lệch tài sản đem góp vốn thì chênh lệch này phải hạch toán thu nhập để kê khai thuế TNDN, tuy nhiên thu nhập này không phải đưa vào kê khai hết mà phân bổ tương ứng vào thời gian còn lại của tài sản (nhiều doanh nghiệp không hiểu “thấu đáo”, đưa hết khoản chênh lệch vào kê khai liền một lúc sẽ chịu phần thiệt).
Ví dụ, một xe ô tô được mua với giá 1 tỷ đồng, khấu hao khoảng 50 triệu đồng, thời gian khấu hao 6 năm, đã khấu hao được 50%, đem đi góp vốn. Xe đã sử dụng 3 năm nhưng vẫn rất tốt nên bên nhận tài sản tự định giá rằng đem bán ra thị trường vẫn rất được giá 500 triệu đồng.
Trường hợp này có khoản lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, nhưng không phải đưa ngay vào hạch toán thu nhập năm nay để chịu thuế mà sẽ được thực hiện trong 3 năm tới (thời gian hết khấu hao), nghĩa là được phân bổ để kê khai thuế TNDN trong 3 năm.
6. Cách tính thu nhập cá nhân chịu thuế từ thu nhập NET
Theo quy định của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn hiện hành thì thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào thu nhập chịu thuế, các khoản giảm trừ và thuế suất. Trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động nhận lương không bao gồm thuế TNCN (thu nhập sau thuế) thì quy đổi ra thu nhập trước thuế để xác định số thuế phải nộp. Do đó, đối với cá nhân ký hợp đồng nhận thu nhập không bao gồm thuế TNCN, thực chất khoản thu nhập này có cả khoản giảm trừ gia cảnh, thì cần tính trừ khoản giảm trừ gia cảnh, sau đó phần thu nhập còn lại (là thu nhập NET) mới thực hiện quy đổi thành thu nhập trước thuế để tính theo biểu phụ lục 01/PL-TNCN ban hành theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính.
Trên thực tế, khi quyết toán thuế, nhiều doanh nghiệp vẫn rất lúng túng như gà mắc tóc trong việc quy đổi thu nhập trước thuế (cách tính thu nhập tính thuế từ thu nhập NET trước đây rất đơn giản, nhưng từ năm 2009, mỗi cá nhân được giảm trừ gia cảnh ở mức khác nhau nên thu nhập NET cũng khác nhau).
Để “gỡ rối”, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 1578/TCT-TNCN hướng dẫn quy đổi thu nhập sau thuế ra thu nhập trước thuế cụ thể theo ví dụ như sau:
Ví dụ: Ông A là cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả theo hình thức chủ lao động (Công ty) chịu trách nhiệm nộp thuế thay, tiền lương thực lãnh của Ông A là 19 triệu đồng/tháng. Ông A có nuôi 2 người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh. Việc quy đổi thành thu nhập trước thuế và xác định số thuế được tính như sau:
- Thu nhập NET để quy đổi (không bao gồm gia cảnh) = 19 triệu - 7,2 triệu (giảm trừ gia cảnh cho bản thân và 2 người phụ thuộc ) = 11,8 triệu đồng.
- Thu nhập tính thuế (trước thuế) sau khi quy đổi tính theo công thức (không bao gồm gia cảnh) = (11,8 triệu – 0,75 triệu)/0,85 = 13 triệu đồng.
- Thuế TNCN phải nộp= {5 triệu x 5%} + {(10 triệu – 5 triệu) x 10%} + {( 13 triệu -10 triệu) x 15%} = 1,2 triệu đồng.
Như vậy, tổng thu nhập chịu thuế của Ông A (đã bao gồm thuế TNCN) mà Công ty phải trả tính trong chi phí tiền lương của Ông A là 20,2 triệu đồng (bao gồm 1,2 triệu đồng tiền thuế TNCN và 19 triệu đồng tiền lương Ông A thực nhận).
7. Chuyển nhượng bất động sản phải xuất trình biên lai thuế TNCN
Trên thực tế, không ít trường hợp ký hợp đồng mua căn hộ nhưng mới nộp tiền 20 triệu đồng trong khi giá căn hộ là 2 tỷ đồng, sau đó không đủ khả năng để mua tiếp, chuyển nhượng cho người khác. Theo quy định của Luật Thuế TNCN mới thì tất cả những người góp vốn mua nhà sau đó không thực hiện tiếp, chuyển nhượng cho người khác thì coi là buôn bán bất động sản, phải nộp thuế TNCN đối với hoạt động bất động sản. Chủ đầu tư bất động sản muốn ký hợp đồng với người được chuyển nhượng thì người chuyển nhượng phải có biên lai nộp thuế TNCN.
Cho rằng quy định này “hơi bất hợp lý”, một số ý kiến kiến nghị rằng trường hợp này nên đưa vào diện góp vốn để mua căn hộ rồi chuyển nhượng phần góp vốn, và khi đó nên đánh thuế vào phần đầu tư vốn sẽ hợp lý hơn (chủ đầu tư giữ lại 5% trên giá mua bán ban đầu hoặc 0,1% trên tổng đầu tư vốn).
Tuy nhiên, kiến nghị này không được Bộ Tài chính chấp thuận. Hiện mỗi lần chuyển nhượng là một lần nộp thuế TNCN (cá nhân kê khai nộp thuế theo thuế suất 25% tính trên giá chuyển nhượng, nếu kiểm tra thấy giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng và kê khai thuế thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì tính thuế theo thuế suất 2% trên giá do UBND cấp tỉnh quy định). Bộ Tài chính yêu cầu các chủ đầu tư khi cho các cá nhân chuyển đổi hợp đồng phải bắt xuất trình biên lai thuế TNCN mới được sang tên cho người mua mới.
Nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng quy định này gây phiền phức. “Để tuân thủ tốt quy định nêu trên thì phải quan hệ với ít nhất 6 cục thuế ở Hà Nội để kê khai bất động sản cho người mua”, một số chủ đầu tư bức xúc chia sẻ. Tuy nhiên, mọi công dân phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, khi chưa có quyết định thay thế, chỉnh sửa thì vẫn phải tuân thủ quy định hiện hành.