Tên văn bản: | Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Cơ quan ban hành: | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Ngày ban hành: | 07/08/2003 |
Ngày đăng công báo: | 24/08/2003 |
Ngày hiệu lực: | 01/11/2003 |
Ngày hết hiệu lực: | 01/07/2011 |
Loại văn bản: | Pháp lệnh |
Số hiệu: | 12/2003/PL-UBTVQH11 |
Người ký: | Nguyễn Văn An |
Hiệu lực văn bản: | Hết Hiệu lực |
Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm đã chính thức được Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố hôm 19/8/2003. Đây là văn bản pháp lý thống nhất đầu tiên về vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thực hiện thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, giải quyết tình trạng các quy định của pháp luật thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, khắc phục tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân...
Với VII chương, 54 điều, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm đề cập và quy định nhiều nội dung liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước trong cả quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, chế biến thực phẩm, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, xuất nhập khẩu thực phẩm, điều kiện sản xuất kinh doanh... Các quy định về sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, yêu cầu bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm đóng gói sẵn, biện pháp phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm... cũng được quy định tại Pháp lệnh này.
Các hành vi bị nghiêm cầm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được nêu rõ tại Điều 8 của Pháp lệnh. Cụ thể, trong sản xuất kinh doanh, nghiêm cấm hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm đã bị thiu thối, biến chất, nhiễm bẩn có thể gây hại cho sức khỏe con người, thực phẩm có chứa chất độc hoặc nhiễm chất độc, thực phẩm có ký sinh trùng gây bệnh, thịt hoặc sản phẩm chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu, gia súc, gia cầm chết do bị bệnh, bị ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân, thực phẩm nhiễm bẩn do bao gói, đồ chứa đựng không sạch, bị vỡ, rách trong quá trình vận chuyển...
Tuy nhiên, do tính khái quát cao của văn bản mang tính pháp lệnh, các quy định trong Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm như điều kiện cụ thể chế biến, sản xuất, kinh doanh thế nào được coi là đảm bảo an toàn vệ sinh, các danh mục phụ gia, vi chất dinh dưỡng được phép sử dụng... rất cần có văn bản của các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện cụ thể, kịp thời, sớm đưa một pháp lệnh có tính thời sự vào cuộc sống.